Industry

Issue 54

Trái sầu riêng Thái Lan đem lại rất nhiều cơ hội, khiến các doanh nghiệp tính xa hơn về tiềm năng của loại quả này.

Sầu riêng vốn hay được biết đến với mùi đặc biệt, nhưng loại quả này đem lại tiềm năng xuất khẩu rất lớn trong khu vực. Theo Ngân hàng Đầu tư, sầu riêng (426 triệu USD) xếp thứ hai về giá trị trong danh sách trái cây xuất khẩu năm 2014, xếp sau dứa đóng hộp (505 triệu USD) và đứng ngay trên nhãn (415 triệu USD). Tổng cộng, ba loại trái cây này chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu trái cây của cả nước.

"Thái Lan có tiềm năng để tạo ra các sản phẩm sáng tạo từ nhiều loại nguyên liệu thô, nhất là trái cây," chia sẻ của anh Wirawat Piamwiwattikul, CEO của công ty Pornthip Premium, hãng sản xuất ra Orta, loại nước sầu riêng đã được trao giải sáng tạo tại 7 Innovation Awards 2016.

Công ty đã hợp tác với các nhà nghiên cứu nhằm tạo ra sản phẩm sáng tạo. "Chúng tôi tin rằng ngành thực phẩm vốn đã rất hấp dẫn, và chúng tôi muốn sản phẩm của mình cạnh tranh tại thị trường khu vực," anh cho biết. "Bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của chúng tôi có hợp tác với đại học Silpakorn."

Với rất nhiều loại trái cây nhiệt đới, anh Piamwiwattikul cho biết, điều quan trọng nhất là phải chọn loại quả phù hợp cho Orta. "Chúng tôi sử dụng sầu riêng monthong bởi phần thịt của loại này có nhiều chất xơ, trong khi các loại khác có nhiều đường, rất khó để cân bằng kết cấu và hương vị," anh giải thích.

Anh Piamwiwattikul cho biết Orta đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Singapore. Điều này đã khuyến khích công ty đa dạng hóa dây chuyền sản xuất và thị trường.

"Đến cuối năm 2016, chúng tôi dự định sẽ cho ra mắt 5 hoặc 6 sản phẩm nữa, như mứt sầu riêng và cà phê sầu riêng, các sản phẩm này đã được nghiên cứu và phát triển," anh cho biết. "Mục tiêu chính của chúng tôi là mở rộng thị trường sang Trung Đông và phương Tây."

Anh Piamwiwattikul tin rằng vị trí của Thái Lan khi nằm giữa các thị trường tiềm năng như Myanmar, Lào, Campuchia, Singapore và Malaysia chính là một thế mạnh cần được tận dụng, thông qua mối quan hệ hợp tác khu vực lớn hơn. "Các đối thủ cạnh tranh nên trở thành đối tác của chúng ta, từ đó tất cả có thể cùng phát triển," anh chia sẻ. Anh còn cho biết, trong tương lai, công ty có thể phát triển một sản phẩm với thương hiệu AEC.

Anh Piamwiwattikul còn ủng hộ các công ty đi theo chủ trương của Vua Bhumibol Adulyadej, tạo ra nền kinh tế no đủ khi tăng giá trị vào đầu tư. "Thành công sẽ không quá khó khăn," anh chia sẻ.

Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.pornthipphuket.com

Tác giả: Natthinee Ratanaprasidhi

 

Issue 53

Các nhà xuất khẩu Thái Lan khám phá ra rằng, thị trường cho nông sản xuất khẩu chủ đạo của Thái vô cùng đa dạng và hấp dẫn.

Gạo vẫn là nông sản xuất khẩu chính của Thái Lan. Theo thông tin từ Strategic Planning Alliance (2011-2016), do Cục Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTDA) cung cấp, mặt hàng gạo đem lại khoảng 170 đến 200 tỷ baht (4,8 đến 5,7 tỷ USD) mỗi năm trong giai đoạn này.

Mặc dù tình hình ngành công nghiệp gạo Thái Lan hiện khá tích cực nhờ lối sống đa dạng của khách hàng và xu hướng quan tâm đến sức khỏe hiện tại, vẫn có tiềm năng cho nhiều sản phẩm hơn. Nhiều công ty đang tận dụng thế mạnh và điểm độc đáo của gạo Thái Lan để mở rộng dòng sản phẩm.

Nghiên cứu do chi nhánh DITP tại New York tiến hành, được cho ra mắt ngày 10/9/2015, nêu bật tiềm năng tăng trưởng cho các sản phẩm không có gluten và không gây dị ứng. Đó là ngũ cốc, gạo nâu tự nhiên, mỳ ống không chứa gluten và mỳ gạo nâu nguyên hạt.

Food Specialize là nhà cung cấp nhiều loại nước sốt gia vị trong hơn 46 năm qua. Vài năm trước, công ty nhận thấy các khách hàng châu Âu đang ngày càng lo ngại việc dị ứng gluten từ bột mỳ. Do đó, công ty đã tìm kiếm sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu đang thay đổi của khách hàng. Họ phát hiện ra rằng, có thể sản xuất mỳ ống từ gạo Thái Lan. Vì vậy, công ty đã phát triển loại mỳ ống gạo nâu hữu cơ với thương hiệu "Pasmily", nghĩa là loại mỳ ống cả nhà đều có thể ăn.

"Mỳ ống gạo nâu của chúng tôi rất giàu dinh dưỡng," Sarute Nakaratanakorn, giám đốc bán hàng và tiếp thị của công ty cho biết. "Mỳ ống không chứa gluten và rất tốt cho sức khỏe. Chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực từ khách hàng, dù sản phẩm chỉ vừa ra mắt vào đầu năm 2016. Hiện giờ, khách hàng của chúng tôi chủ yếu là từ châu Âu như Đức, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg. Chúng tôi đã lên kế hoạch sớm mở rộng thị trường sang các nước khác."

Anh Nakaratanakorn tin rằng có rất nhiều cơ hội cho các sản phẩm chế biến từ gạo khác bởi chất lượng sản phẩm gạo Thái Lan đã được cả thế giới công nhận.

Cô Ornticha Tangjaichertchutam, giám đốc bán hàng xuất khẩu cho công ty Diamond Preserved Food đồng tình với quan điểm này.

"Khách hàng của chúng tôi nói, họ rất muốn mua sản phẩm có nhãn "gạo Thái Lan", bởi Thái Lan luôn đem lại sản phẩm chất lượng tốt nhất," cô cho biết. "Do đó, chắc chắn gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo Thái Lan sẽ tiếp tục phát triển."

Công ty đã cung cấp sản phẩm nước sốt gia vị được hơn 5 năm. Hiện tại, công ty phân phối bán lẻ sản phẩm dấm gạo hoa nhài với nhãn hiệu Bản sắc Thái Lan.

"Dấm gạo hoa nhài của chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực từ khách hàng, nhất là từ Trung Đông bởi sản phẩm có mùi vị thơm ngon, có vị ngọt và mùi thơm của gạo," cô cho biết. "Quan trọng ở chỗ, đây là sản phẩm tốt cho sức khỏe."

Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập: www.ditp.go.th, www.foodspecialize.com, This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Tác giả: Patcharee Taedangpetch

Hình ảnh do công ty TNHH Food Specialize và Diamond Preserved Food cung cấp

Issue 51

Du lịch Hồi giáo là một thị trường tăng trưởng mạnh đối với Thái Lan. Ý thức rõ điều này, chính phủ tích cực quảng bá hình ảnh Thái Lan, điểm đến thu hút người Hồi giáo

Du lịch Hồi giáo đem lại nguồn thu lớn. Theo báo cáo Du lịch Hồi giáo 2016 của công ty nghiên cứu thị trường Context Consulting, số lượng khách du lịch Hồi giáo sẽ cán mốc 150 triệu vào năm 2020 với mức chi tiêu lên đến 200 tỷ USD, so với 145 tỷ USD vào năm 2014.

Đây là tin đáng mừng đối với Thái Lan, khi năm thứ hai liên tiếp xếp thứ hai thế giới về thu hút khách Hồi giáo, theo đánh giá Master Card Crescent Rating Global Muslim Travel Index 2016 của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Dù có một lượng lớn khách sạn tiêu chuẩn quốc tế, Thái Lan vẫn chưa có khách sạn thiết kế riêng cho du khách đạo Hồi, cho đến khi khách sạn Hồi giáo 4 sao Al Meroz ra đời vào tháng 11 năm 2015 tại quận Ramkhamhaeng, Bangkok.

"Tôi sở hữu nhà hàng halal Sophia và phục vụ du khách Hồi giáo đã mấy chục năm," ông Rausak Mulsap, chủ tịch và CEO của Al Meroz chia sẻ. "Các khách hàng nước ngoài cũng như đại lý tour du lịch luôn hỏi tôi, tại sao Thái Lan vẫn chưa có nơi ăn nghỉ chuyên phục vụ khách đạo Hồi. Điều đó đã truyền cảm hứng để tôi mở khách sạn này. Khách sạn Hồi giáo phục vụ thức ăn có chứng nhận halal, đồng thời tạo một môi trường thân thiện với người đạo Hồi, cũng như bảo đảm an toàn, vệ sinh, phù hợp với niềm tin tôn giáo."

Bước vào khách sạn, du khách ngay lập tức bị choáng ngợp bởi kiến trúc và âm nhạc phong cách Ả rập. Sau đó, họ được nhân viên lễ tân mặc đồ Hồi giáo truyền thống tiếp đón. 60% nhân viên của Al Meroz là người đạo Hồi.

Bên cạnh Thái Lan, hầu hết khách thăm đến từ châu Âu, Trung Đông, châu Á và các nước ASEAN.

Ông Sanya Saengboon, giám đốc điều hành và tổng giám đốc khách sạn Al Meroz, cho biết khách sạn không chỉ dành riêng cho người Hồi giáo.

"Al Meroz đã tiếp đón rất nhiều khách châu Âu, họ muốn nghỉ tại khách sạn sạch sẽ, an toàn và yên tĩnh," ông chia sẻ. "Khách hàng của chúng tôi đi lại trong Bangkok và đến các nơi khác rất thuận tiện, bởi mạng lưới giao thông tại khu vực này rất tốt, bao gồm tàu điện từ sân bay và đường cao tốc."

Ông Mulsap tin rằng, với nhu cầu ngày càng tăng cao, trong vài năm tới sẽ có thêm nhiều khách sạn Hồi giáo được mở ra.

"Al Meroz đi tiên phong trong thị trường khách sạn Hồi giáo," ông nhấn mạnh. "Nhiều nhà đầu tư đã mời tôi mở rộng kinh doanh ra các địa điểm thu hút khách du lịch khác tại Thái Lan như Pattaya và Hua Hin, bởi họ nhận thấy tiềm năng phát triển. Hiện tại, tôi tập trung vào khách sạn Al Meroz và có khả năng sẽ tham gia hợp tác và mở thêm khách sạn Hồi giáo tại các tỉnh khác trong tương lai."

Để biết thêm thông tin, vui lòng ghé thăm trang web www.almerozhotel.com

Tác giả: Somhatai Mosika

 

Issue 52

Các nghiên cứu tiên phong về cách bệnh nhân đột quỵ giao tiếp với thế giới bên ngoài đem lại những ứng dụng không chỉ dừng ở Thái Lan.

Mỗi ngày tại Thái Lan có 36 người chết vì đột quỵ. Con số sẽ lên đến 13.353 người một năm, theo số liệu từ Bộ Y tế. Hiện nay có 751.350 người Thái đã bị đột quỵ và con số này sẽ tiếp tục gia tăng.

Anh Piyasak Bunkhomrat, giám đốc điều hành công ty Meditech Solution, tin rằng đã có một sự thay đổi lớn trong thái độ của người Thái đối với sức khỏe của mình.

"Hiện tại, mọi người đang chú ý nhiều hơn đến sức khỏe của mình, nhất là người già," anh chia sẻ. "Điều đó mở ra cơ hội cho các sáng kiến về y khoa."

Một trong số những sáng kiến đó là SenzE, một thiết bị trợ giúp sử dụng giao tiếp bằng mắt được thiết kế cho các bệnh nhân bị tê liệt. Được chứng nhận và tài trợ bởi Cơ quan Đổi mới Công nghệ Quốc gia, SenzE thắng giải Vua Công nghệ thông tin Thái Lan và giành giải đồng tại Lễ trao giải sáng tạo TRUE năm 2012. Thiết bị đã được thử nghiệm tại Viện Thần kinh Prasat.

"Đây là Hệ thống Theo dõi Mắt sử dụng phần mềm của Thái Lan đầu tiên trên thế giới," anh Bunkhomrat giải thích. SenzE giúp các bệnh nhân đột quỵ và ALS (bệnh xơ cứng cột bên teo cơ), những người không thể nói hay viết, có thể giao tiếp bằng mắt.

"Năm năm trước, tôi có nói chuyện với một người bạn đang phải chăm sóc người bố mắc ALS, chúng tôi cùng thảo luận về cách mà công nghệ giúp những bệnh nhân này giao tiếp được," anh Bunkhomrat chia sẻ.

Sau khi tìm hiểu, anh khám phá ra rằng, trên thế giới chỉ 3 quốc gia, Mỹ, Thụy Điển và Đức là có công nghệ theo dõi mắt để giúp bệnh nhân giao tiếp.

"Tôi đã trình ý tưởng này trước Cơ quan Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NIA) và nhận được tài trợ nghiên cứu từ NIA và Đại học Chulalongkorn," anh chia sẻ. "Chúng tôi có một giáo sư y khoa thuộc Viện Thần kinh là cố vấn y tế và một giáo sư từ Đại học Công nghệ Bắc Bangkok King Mongkut là cố vấn kỹ thuật."

Mặc dù việc sử dụng SenzE vẫn còn hạn chế, anh Bunkhomrat đang hướng đến những ứng dụng về thương mại. "Chúng tôi đang trao đổi với các nhà phát triển để vươn ra thị trường châu Á và Nhật Bản vào năm 2017," anh cho biết.

Dựa trên kinh nghiệm, anh Bunkhomrat nhận ra rằng có rất nhiều ý tưởng hay bị loại bỏ ngay từ bước lập kế hoạch.

"Doanh nghiệp Thái Lan có những ý tưởng vô cùng hay, nhưng chỉ một vài trong số đó trở thành dự án thực tế," anh nhấn mạnh. "Hầu hết các nghiên cứu chỉ dừng lại trên giấy tờ hoặc những nguyên mẫu hiếm khi tiếp cận được thị trường thực sự. Vì vậy, giờ đã đến lúc nghĩ khác và nhìn ra cơ hội."

Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.meditechsolution.com

Tác giả: Natthinee Ratanaprasidhi

 

 

Issue 50

Tập trung nhiều hơn vào thiết kế và sự sáng tạo sẽ giúp đưa nền công nghiệp cao su Thái Lan ra các thị trường nước ngoài.

Nền công nghiệp cao su có tiềm năng tăng trưởng lớn nếu tập trung hơn vào thiết kế khi sản xuất. Đây là quan điểm của anh Phinyo Kongsuphapsiri, Giám đốc điều hành Zense Design, công ty sản xuất nhãn hiệu cao su thiên nhiên Rubberly.

Anh Kongsuphapsiri muốn đem thương hiệu cao su Thái Lan ra khắp toàn cầu, từ đó đưa sản phẩm tự nhiên thành mặt hàng xuất khẩu chính. Là công ty gia đình sản xuất đồ chơi từ 30 năm trước, chỉ mới gần đây, công ty sáng lập thương hiệu Rubberly nhằm mở rộng dòng sản phẩm.

"Ba năm trước, khi giá cao su tự nhiên trong nước rất thấp, chúng tôi đã có ý tưởng tạo ra nhiều sản phẩm từ cao su ngoài đồ chơi. Chúng tôi bắt đầu với các sản phẩm tiêu dùng như túi, giày, đồ trang trí tường," anh Kongsuphapsiri chia sẻ. "Chúng tôi muốn sử dụng rộng rãi cao su theo nhiều cách khác nhau. Là một kiến trúc sư, tôi hướng tới ngành công nghiệp xây dựng như trường học, khách sạn, bệnh viện, căn hộ và chung cư cao tầng."

Gần đây, Zense Design có tính đến giấy dán tường 3D, sản phẩm không độc hại, hoàn toàn được làm từ nguyên liệu tự nhiên, rất bền và mềm mại. "Hầu hết các sản phẩm bảo vệ tường hiện nay đều làm từ nhựa hoặc sợi thủy tinh, hai vật liệu này sờ vào đều không mềm," anh chia sẻ.

Các sản phẩm của Zense Design đạt chuẩn EN71 của châu Âu và ASTM của Mỹ, dù hiện tại 80% doanh số của công ty là từ trong nước, xuất khẩu phần lớn tập trung tại châu Á, nhất là Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản và Hong Kong.

Năm 2015, Thái Lan sản xuất 4 triệu tấn cao su. Hơn 80% trong 3 triệu tấn xuất khẩu là cao su thô. Trong khi Malaysia chế biến 50% lượng cao su thu được, Thái Lan chỉ chế biến được 12%, anh Kongsuphapsiri cho biết.

"Chúng ta có trong tay nguyên liệu tốt, vậy mà lại mau chóng bán đi trước khi phát triển để tăng giá trị," anh chia sẻ. "Nếu mọi người quan tâm hơn đến thiết kế của sản phẩm cao su, điều này sẽ giúp mở ra nhiều kênh mới để nền công nghiệp phát triển. Hiện tại, các sản phẩm cao su chỉ tập trung ở gối hoặc đệm."

Mục tiêu của anh Kongsuphapsiri là tạo ra một mạng lưới đối tác nhằm xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm cao su, giúp đóng góp cho nền công nghiệp.

Để biết thêm thông tin, mời truy cập rubberly.lnwshop.com

Tác giả: Natthinee Ratanaprasidhi

 

 

367013