Issue 52

Các nghiên cứu tiên phong về cách bệnh nhân đột quỵ giao tiếp với thế giới bên ngoài đem lại những ứng dụng không chỉ dừng ở Thái Lan.

Mỗi ngày tại Thái Lan có 36 người chết vì đột quỵ. Con số sẽ lên đến 13.353 người một năm, theo số liệu từ Bộ Y tế. Hiện nay có 751.350 người Thái đã bị đột quỵ và con số này sẽ tiếp tục gia tăng.

Anh Piyasak Bunkhomrat, giám đốc điều hành công ty Meditech Solution, tin rằng đã có một sự thay đổi lớn trong thái độ của người Thái đối với sức khỏe của mình.

"Hiện tại, mọi người đang chú ý nhiều hơn đến sức khỏe của mình, nhất là người già," anh chia sẻ. "Điều đó mở ra cơ hội cho các sáng kiến về y khoa."

Một trong số những sáng kiến đó là SenzE, một thiết bị trợ giúp sử dụng giao tiếp bằng mắt được thiết kế cho các bệnh nhân bị tê liệt. Được chứng nhận và tài trợ bởi Cơ quan Đổi mới Công nghệ Quốc gia, SenzE thắng giải Vua Công nghệ thông tin Thái Lan và giành giải đồng tại Lễ trao giải sáng tạo TRUE năm 2012. Thiết bị đã được thử nghiệm tại Viện Thần kinh Prasat.

"Đây là Hệ thống Theo dõi Mắt sử dụng phần mềm của Thái Lan đầu tiên trên thế giới," anh Bunkhomrat giải thích. SenzE giúp các bệnh nhân đột quỵ và ALS (bệnh xơ cứng cột bên teo cơ), những người không thể nói hay viết, có thể giao tiếp bằng mắt.

"Năm năm trước, tôi có nói chuyện với một người bạn đang phải chăm sóc người bố mắc ALS, chúng tôi cùng thảo luận về cách mà công nghệ giúp những bệnh nhân này giao tiếp được," anh Bunkhomrat chia sẻ.

Sau khi tìm hiểu, anh khám phá ra rằng, trên thế giới chỉ 3 quốc gia, Mỹ, Thụy Điển và Đức là có công nghệ theo dõi mắt để giúp bệnh nhân giao tiếp.

"Tôi đã trình ý tưởng này trước Cơ quan Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NIA) và nhận được tài trợ nghiên cứu từ NIA và Đại học Chulalongkorn," anh chia sẻ. "Chúng tôi có một giáo sư y khoa thuộc Viện Thần kinh là cố vấn y tế và một giáo sư từ Đại học Công nghệ Bắc Bangkok King Mongkut là cố vấn kỹ thuật."

Mặc dù việc sử dụng SenzE vẫn còn hạn chế, anh Bunkhomrat đang hướng đến những ứng dụng về thương mại. "Chúng tôi đang trao đổi với các nhà phát triển để vươn ra thị trường châu Á và Nhật Bản vào năm 2017," anh cho biết.

Dựa trên kinh nghiệm, anh Bunkhomrat nhận ra rằng có rất nhiều ý tưởng hay bị loại bỏ ngay từ bước lập kế hoạch.

"Doanh nghiệp Thái Lan có những ý tưởng vô cùng hay, nhưng chỉ một vài trong số đó trở thành dự án thực tế," anh nhấn mạnh. "Hầu hết các nghiên cứu chỉ dừng lại trên giấy tờ hoặc những nguyên mẫu hiếm khi tiếp cận được thị trường thực sự. Vì vậy, giờ đã đến lúc nghĩ khác và nhìn ra cơ hội."

Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.meditechsolution.com

Tác giả: Natthinee Ratanaprasidhi

 

 

366924