Joining the Dots

Issue 51

Trong thế giới kinh doanh ngày nay, các công ty ngày càng trở nên phụ thuộc vào giải pháp phần mềm phù hợp.

Khi khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan dần tăng trưởng mạnh, việc phát triển phần mềm thông minh và phản ứng nhanh để hỗ trợ hệ thống cơ quan hậu bị trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây là lúc EWORKS bước vào.

Thành lập từ năm 2010, EWORKS khởi đầu là một công ty phát triển phần mềm nhỏ tại Bangkok. Công ty tập trung phát triển giải pháp quản lý kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Chuyên môn của chúng tôi là cung cấp hệ thống phần mềm tích hợp đầy đủ trong tất cả các lĩnh vực có thể," anh Gautam Ganguly, giám đốc điều hành công ty EWORKS Consultants cho biết. Một trong những lĩnh vực phải kể đến là phát triển các hệ thống quản lý, chẳng hạn như Tour Plus, cho công viên giải trí."

 

"Tour Plus là giải pháp cho những thách thức trong quản lý công viên giải trí," anh nhấn mạnh. "Khi mới bắt đầu, nó là công cụ quản lý khách hàng. Và hiện tại, Tour Plus đã bao gồm quản lý đặt chỗ, khách hàng và hợp đồng bán hàng B2B với chức năng quản lý đại lý tour du lịch, xử lý quầy lễ tân và sắp xếp bộ phận thực phẩm và đồ uống. Nó còn tích hợp các thiết bị đặt hàng như máy đọc và quét mã vạch, máy in biên lai và nhiều hơn nữa." Anh còn cho biết, phần mềm có thể được điều chỉnh cho các trung tâm giải trí đa chức năng, sân golf, spa, khu chơi bowling và các trung tâm giải trí nhỏ hơn.

Anh Ganguly tin rằng người Thái có ý thức kinh doanh rất mạnh. "Họ thích có sự tự do về tài chính và không sợ rủi ro khi nhìn thấy cơ hội, dù là kinh doanh nhỏ như tiệm café hay lớn hơn như công ty xuất-nhập khẩu hay khu liên hợp giải trí," anh chia sẻ. Các sản phẩm của EWORKS giúp các doanh nghiệp Thái Lan trở nên thành công.

Một sản phẩm khác của EWORKS là Billing Lite, phần mềm thiết kế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. "Đây là phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp trên nền tảng web... được thiết kế nhằm tích hợp các quá trình mua, bán, kiểm kê, kế toán và thanh toán thành luồng công việc hiện tại và cho phép tích hợp tùy chỉnh bổ sung," anh cho biết.

Công ty có khách hàng ở cả khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân, bao gồm công viên giải trí Dream World và nhà hát Siam Niramitre tại Thái Lan và công viên giải trí Ancol Dreamland tại Indonesia.

Anh Ganguly tin rằng bản chất của ngành công nghiệp công nghệ thông tin đang thay đổi nhanh chóng, vì vậy mọi người cần tiếp tục học hỏi và phát triển bản thân.

"Phát triển cá nhân còn quan trọng hơn cả những cải tiến hay công nghệ," anh chia sẻ. "Kể cả nếu bạn có phần mềm chất lượng 5 sao, nhưng lại không hiểu cách thức giao tiếp hay cung cấp sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng, việc kinh doanh của bạn sẽ không thể thành công."

Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập trang web www.eworkscorp.net.

Tác giả: Natthinee Ratanaprasidhi

 

 

 

Issue 50

DITP đã tiên phong và quảng bá thương mại điện tử tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan từ năm 2011. Năm nay, vì những nỗ lực không ngừng nghỉ, Thaitrade.com đón nhận giải thưởng WSIS 2016 danh giá từ Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) thuộc Liên hợp quốc.

Thương mại điện tử đang ngày một vững mạnh. Trong năm 2015, thị trường thương mại điện tử tại Thái Lan có giá trị hơn 58,4 tỷ USD. Theo báo cáo của Accenture and Ali Research, giao dịch thương mại Doanh nghiệp với Khách hàng (B2C) trên toàn thế giới sẽ đạt giá trị 1 nghìn tỷ USD vào năm 2020, khi lượng khách tham gia mua sản phẩm và dịch vụ qua mạng được dự đoán sẽ vượt quá con số 900 triệu.

"Hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi phải thích nghi với việc kinh doanh trong kỷ nguyên công nghệ," Cục trưởng DITP Malee Choklumlerd phát biểu.

Từ năm 2011, DITP bắt đầu quảng bá Thaitrade.com nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt kịp xu hướng thương mại điện tử. Một hoạt động tiêu biểu phải kể đến là dự án Smart Online SMEs (S.O.S) của trang Thaitrade.com. Ngày 3/5, dự án thắng giải tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Xã hội Thông tin (giải WSIS 2016), hạng mục Nâng cao Năng lực. S.O.S bao gồm một loạt các hội nghị chuyên đề được tổ chức khắp Thái Lan, tập trung vào các chủ đề như sử dụng hiệu quả hình ảnh và nội dung để thu hút thêm khách hàng, các buổi tư vấn riêng, và phương pháp tiếp thị trực tuyến sử dụng các công cụ tìm kiếm.

"Yếu tố tiên quyết khiến S.O.S thắng giải WSIS chính là, Dự án đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ ý thức được tầm quan trọng của việc bắt kịp xu hướng hành vi khách hàng và công nghệ mới trong thời đại kỹ thuật số liên tục thay đổi," bà Choklumlerd cho biết.

Bên cạnh đó, DITP còn khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành công trở thành ví dụ thực tiễn để người khác học hỏi. "Câu chuyện thành công từ những doanh nhân giàu kinh nghiệm truyền cảm hứng cho những đơn vị tham gia dự án. Rất nhiều người trong số đó đã viết thư cảm ơn chúng tôi vì đã góp phần làm nên thành công của họ," bà nói thêm.

S.O.S đã góp công phát triển khả năng giao dịch trực tuyến của 2.703 công ty Thái Lan. Theo khảo sát, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết kiến thức và kỹ năng lĩnh hội được từ những hội nghị chuyên đề đã giúp họ tăng lượng xuất khẩu. Rất nhiều trong số đó nhận những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên qua trang web Thaitrade.com.

Ngay từ đầu, Thaitrade.com đề nghị giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ba lĩnh vực: tối ưu hóa công cụ tìm kiếm thông qua việc sử dụng hình ảnh và nội dung; đưa các câu chuyện thành công và banner quảng cáo lên các trang web; và khuyến khích các công ty tham gia hoạt động tăng cường giao dịch thương mại B2C. Một ví dụ điển hình là SOOK (Small Order OK – Chấp nhận đơn đặt hàng nhỏ), một giải pháp thương mại điện tử hoàn chỉnh cho phép người mua và người bán giao dịch mọi lúc, mọi nơi. SOOK sẽ được tung ra thị trường vào tháng 8, năm 2016.

"Chúng tôi còn tập trung vào việc xây dựng quan hệ đối tác với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến trên thế giới như Google, Alibaba, Paypal và Amazon nhằm tạo ra một mạng lưới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan," bà Choklumlerd chia sẻ.

Theo DITP, Thaitrade.com có 18.358 gian hàng, bán hơn 240.825 sản phẩm. Trong số 18.533.299 lượt khách truy cập từ 237 quốc gia, đã có 97.676 lượt đặt hàng. Thực phẩm và đồ uống, quần áo và mỹ phẩm là những sản phẩm phổ biến nhất, phần lớn khách hàng đến từ Ấn Độ (14%), Trung Quốc (7%), Việt Nam (4%), Mỹ (3%) và Pakistan (2%).

Ngoài ra, DITP còn tổ chức các hoạt động kết nối kinh doanh cho hơn 3.012 doanh nghiệp, đem lại hơn 1,9 tỷ baht (54 triệu USD) giá trị thương mại kể từ năm 2011.

Với sự hỗ trợ không ngừng nghỉ từ DITP, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan quyết tâm gặt hái thắng lợi về thương mại điện tử trong nhiều năm tới.

Tác giả: PimsirinuchBorsub

 

 

Issue 48

Chủ tịch tập đoàn Pranda tin rằng nền công nghiệp trang sức và đá quý Thái Lan có tương lai vô cùng hứa hẹn, và nên làm nhiều hơn nữa để thu hút các khách hàng lớn.

Thế mạnh của nền công nghiệp trang sức và đá quý Thái Lan nằm ở khả năng nhập khẩu nguyên liệu thô chất lượng cao từ nhiều nguồn trên thế giới, rồi biến chúng thành các mẫu thiết kế đa dạng phù hợp với những nhu cầu khác nhau của khách hàng. Đây chính là quan điểm của ông Prida Tiasuwan, Chủ tịch tập đoàn Pranda.

"40 năm trước, tôi nhận thấy kỹ năng mài cắt đá quý của Thái Lan rất tốt, điều này hẳn sẽ còn tốt hơn nữa nếu có thể tăng giá trị cho những đá quý này. Vì vậy, tôi đã lập một nhà máy sản xuất đá quý," ông chia sẻ.

Hiện tại, tập đoàn Pranda có khả năng sản xuất 10 triệu thành phẩm trang sức mỗi năm tại các nhà máy ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Tập đoàn còn có các nhãn hiệu của riêng mình như Prima Gold, Julia và Merii, hướng đến các thị trường tại châu Á và Trung Đông.

"Chúng tôi chuyên sản xuất trang sức cho tầng lớp trung-thượng lưu. Khách hàng chủ chốt của tập đoàn Pranda nằm ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Hiện chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu đang ngày càng tăng ở các nước ASEAN," ông Tiasuwan nói.

Đồng thời, ông Tiasuwan tin rằng Thái Lan cần củng cố những thế mạnh của mình, chẳng hạn như khuyến khích các nhà sản xuất trang sức trong nước khám phá các nguồn đá quý khắp thế giới, và đem những nguyên liệu thô chất lượng cao đó về Thái Lan.

 

"Thái Lan là một trung tâm trang sức và đá quý chủ chốt," ông chia sẻ. "Chúng tôi có những nhà kinh doanh đá quý, thợ tay nghề cao, thiết kế trang sức giỏi và phòng thí nghiệm tiêu chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng trang sức," ông Tiasuwan khẳng định.

Với những thế mạnh này, Chủ tịch tập đoàn Pranda tin rằng Thái Lan có thể giữ vững vị thế là trung tâm trang sức và đá quý hàng đầu thế giới.

Có hơn 30.000 lượt khách từ khắp nơi trên thế giới tới thăm quan 2.600 sản phẩm trưng bày tại Hội chợ Trang sức và Đá quý Bangkok lần thứ 57, được tổ chức tại trung tâm Impact Muang Thong Thani từ ngày 24 đến 28/2. Tuy nhiên, ông Tiasuwan nghĩ có thể làm nhiều hơn nữa để thu hút khách hàng tiềm năng.

"Thụy Sĩ là một ví dụ điển hình cho hội chợ thương mại kiểu này," ông nói. "Trong suốt thời gian diễn ra hội chợ Baselworld, nước này miễn thị thực và thuế cho các khách nước ngoài tham gia hội chợ."

Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.pranda.com

Tác giả: Somhatai Mosika

 

Issue 49

Các chuyên gia quốc tế cùng tham gia thảo luận các yếu tố tác động tới sự tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia trong khối AEC+3

Trong tháng 3, các diễn giả chính cùng các thành viên tham dự Diễn đàn Kinh tế AEC+3 2016: Tái thiết lập một cơ chế mới để tăng trưởng cùng thảo luận về cách thức để các nước trong khối AEC, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng hợp tác tăng trưởng kinh tế.

Được đồng tổ chức bởi ngân hàng Kasikorn và Thời báo Tài chính, diễn đàn được tổ chức vào ngày 16/3 tại khách sạn Plaza Athenee, Bangkok.

Nielsen dự báo, dân số tầng lớp trung lưu tại khối các nước AEC sẽ đạt 400 triệu người vào năm 2020, so với 190 triệu người vào năm 2012. Đây sẽ là động lực lớn cho sự phát triển liên tục của cộng đồng.

"ASEAN có mức tăng trưởng kinh tế rất lớn, đây là thời điểm có những thay đổi quan trọng," ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC, cũng là diễn giả chính tại diễn đàn cho biết.

Ông Bollard nêu ra nhiều vấn đề, từ sự thay đổi trong tăng trưởng kinh tế, tới giá nhân công và đổi mới mô hình kinh doanh.

"Sẽ có thay đổi lớn về thương mại và dịch vụ liên quốc gia tại khu vực này, chúng ta sẽ thấy tăng trưởng thương mại dịch vụ vượt mức tăng trưởng thương mại hàng hóa," ông cho biết.

Ông Tony Fernandes, Chủ tịch tập đoàn Air Asia, cho rằng các doanh nghiệp trong khu vực vẫn có thể tăng trưởng hơn nữa bởi có hàng trăm triệu người tiêu dùng tại đây tin tưởng lựa chọn các thương hiệu ASEAN.

"Có đến 600 triệu người tại thị trường ASEAN nhưng số lượng các thương hiệu ASEAN chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay," ông Fernandes chia sẻ. "Các thương hiệu từ Thái Lan hoặc Indonesia có tiềm năng trở nên nổi tiếng."

Một vài thách thức cho khối AEC+3 được thảo luận tại diễn đàn bao gồm sự cạnh tranh đang gia tăng tại các nước AEC, tìm nguồn cung ứng và giữ chân lao động trong khu vực, các công nghệ đột phá như thương mại điện tử và các công ty khởi nghiệp.

Thêm vào đó, để tăng cường hợp tác trong khu vực, 13 tổ chức, cả tư nhân và nhà nước, từ 10 quốc gia đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh đa phương khối AEC+3, văn bản được ký kết lần đầu tại Thái Lan.

Trong các bên tham gia ký kết có ông Isara Vongkusolkit, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan và Hội đồng Thương mại Thái Lan, ông Hứa Ninh Ninh, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, và ông Takeshi Akagi, Trưởng ban Quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Tokyo.

Thỏa thuận bao gồm hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ, cũng như chia sẻ thông tin về thống kê kinh tế, đồng thời giới thiệu đối tác thương mại và các hoạt động kết nối kinh doanh liên quốc gia.

Tác giả: PimsirinuchBorsub

 

Issue 47

GIZTIX là nhà cung cấp dịch vụ hậu cần điện tử mới giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan.

GIZTIX là công ty khởi nghiệp Thái Lan do Sittisak Wongsomnuk, Sarawut Kittirattanasopha và Nattawut Hanpongkulin sáng lập vào năm 2015. Cả ba đều là chuyên gia kỹ thuật về dịch vụ hậu cần điện tử.

Ý tưởng xuất phát khi anh Sittisak Wongsomnuk muốn thay đổi công ty dịch vụ hậu cần của gia đình thành hệ thống dịch vụ hậu cần điện tử.Sau khi thử nghiệm tại công ty gia đình, anh nhận thấy hệ thống đem lại tiềm năng lớn hơn.

"Ở Thái Lan, chúng tôi không có trang điện tử cho dịch vụ hầu cần công nghiệp, dù đây là một trong những ngành công nghiệp chính tại nước chúng tôi," anh Wongsomnuk cho biết.
GIZTIX là thị trường mua bán các dịch vụ giao thông vận tải, nó cung cấp dịch vụ hậu cần trực tuyến giúp các chủ hàng kiểm tra, so sánh giá, và thanh toán nhanh chóng qua mạng. Nhờ đó tiết kiệm thời gian cho cả hai phía và đơn giản hóa công tác hậu cần. "Hệ thống hậu cần của Thái Lan không chỉ nên, mà phải chuyển sang dịch vụ điện tử," anh Wongsomnuk khẳng định.

Mục đích xây dựng trang điện tử cung cấp dịch vụ hậu cần là để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan có một ứng dụng thuận tiện. Các thành viên của GIZTIX có thể truy cập một trang web thương mại điện tử, và có ứng dụng để báo giá dễ dàng. Quan trọng hơn, với tư cách một thị trường mua bán, công ty sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các thành viên tiếp cận với khách hàng khắp thế giới, thực hiện nhiều giao dịch kinh doanh khi chỉ cần trả phí hoa hồng một lần, anh Wongsomnuk nói thêm.

"Chúng tôi không muốn kiếm lợi nhuận lớn, mà chỉ muốn hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ của Thái Lan.Chúng tôi tự hào khi ngày càng nhiều khách hàng tin tưởng và sử dụng dịch vụ của chúng tôi," anh cho biết.

 

GIZTIX đang phát triển nhanh chóng và hiện có khách hàng từ Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Anh Quốc, Mỹ và Úc. Ngoài các phản hồi tích cực từ đối tác, công ty còn nhận được nhiều giải thưởng, như giải ICT Thái Lan năm 2015, giải Tăng tốc DTAC năm 2015, và giải Echelon Thái Lan năm 2015.

"Bên cạnh mô hình kinh doanh mạnh, chúng tôi còn có chuyên môn cao.Rất khó tìm ra chuyên gia kỹ thuật về dịch vụ hậu cần điện tử," anh Wongsomnuk cho biết. "Tiếp theo đây, chúng tôi muốn mở rộng đội ngũ và phát triển phần mềm của mình. Trong năm nay, GIZTIX sẽ tạo ra hệ thống đặt chỗ và thanh toán, đi kèm danh sách giá vận chuyển để giúp khách hàng tìm kiếm danh sách giá thuận tiện hơn.Thêm vào đó, hệ thống của chúng tôi hoàn toàn có thể truy cập qua thiết bị di động."

Doanh nhân trẻ này tin rằng sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào tháng 12 năm ngoái sẽ có tác động tới cách thức kinh doanh.

"Gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ làm gia tăng cạnh tranh.Những doanh nhân vẫn sử dụng phương pháp thủ công sẽ rơi vào thế bất lợi.Họ sẽ phải số hóa công tác hậu cần, bằng không sẽ bị tụt hậu so với những người khác.Sử dụng hệ thống hậu cần điện tử tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tôi tin chắc rằng hệ thống của chúng tôi có thể tạo ra điều đó cho khách hàng và doanh nghiệp của họ."

Để biết thêm thông tin, xin truy cập trang web https://www.giztix.com
Tác giả:PatchareeTaedangpetch, hình ảnh do GIZTIX cung cấp

 

367936