Tradeshows

Issue 56

Các nhà thiết kế và nhãn hàng tiêu dùng đã sẵn sàng trình làng bộ sưu tập mới nhất của mình tại một trong những triển lãm thương mại lớn nhất Bangkok.

Sản phẩm hàng tiêu dùng dành cho thú cưng và người cao tuổi cũng như sản phẩm chăm sóc sức khoẻ Thái sẽ được trưng bày tại trung tâm của Hội chợ Quà tặng Quốc tế Bangkok lần 42 và Hội chợ Đồ gia dụng Quốc tế Bangkok (BIG+BIH) vào tháng 10.

"Sản phẩm tiêu dùng Thái được biết đến và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường quốc tế dựa vào chất lượng cao, công nghệ cải tiến, độ tinh xảo và khéo léo. Năm nay, chúng tôi sẽ ưu tiên các sản phẩm và dịch vụ dành cho thú cưng, sản phẩm cho người cao tuổi (nhóm dân số 60+) cũng như các hạng mục spa và khách sạn", Bà Malee Choklumlerd – Tổng Giám đốc DITP cho biết.

Bà nói thêm "Chúng tôi tin rằng Thái Lan có thể trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quà tặng, đồ gia dụng và hàng tiêu dùng trong khu vực. Nơi đây sẽ là địa điểm để khách hàng từ khắp nơi trên thế giới có thể gặp gỡ và giao dịch với nhà sản xuất và xuất khẩu Thái Lan."

Diễn ra từ 19- 23/10 tại Trung tâm Triển lãm và Thương mại Quốc tế Bangkok (BITEC), BIG+BIH sẽ có khoảng 600 đơn vị triển lãm hàng tiêu dùng của Thái Lan và nước ngoài bao gồm 1.600 gian hàng. Họ sẽ trưng bày sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao dành cho khách hàng và công chúng. Sự kiện này chia thành nhiều khu vực khác nhau bao gồm TOP của OTOP (Một làng một sản phẩm), khu vực DEmark và khu vực Tài năng Thái Lan 2016 – nơi giới thiệu các sản phẩm thắng cuộc cũng như tư vấn phát triển sản phẩm dành cho doanh nghiệp mới.

Hội chợ BIG+BIH tháng 10 năm ngoái gồm có 1.353 gian hàng và 489 đơn vị triển lãm đến từ Thái Lan, Indonesia, Nga, Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam, Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Lào và Myanmar. Có hơn 57.000 lượt khách quốc tế tham gia hội chợ, mang lại các đơn hàng trị giá 37,66 triệu USD (1,32 tỷ baht) trong vòng 5 ngày diễn ra triển lãm.

Bà Choklumlerd dự đoán hội chợ năm nay sẽ còn lớn hơn nữa.

"Ước tính sẽ có khoảng 58.000 du khách tham gia sự kiện vào tháng 10 tới, với các đơn hàng trị giá 39,42 triệu USD (1,38 tỷ baht)", bà nói.

Bộ trưởng Bộ Thương mại dự đoán sản phẩm tiêu dùng sẽ đạt 2,92 tỷ USD trong năm 2016, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó xuất khẩu hàng quà tặng và đồ gia dụng sẽ đạt 290 triệu USD, cũng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Top 10 thị trường xuất khẩu của các mặt hàng này là Mỹ, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Anh, Đức, Malaysia, Việt Nam, Mexico và Hàn Quốc. Tuy nhiên, bà Choklumlerd tin rằng doanh nghiệp Thái nên thay đổi hướng đi.

Bà cho biết "Các nước ASEAN và Trung Đông là những thị trường xuất khẩu đầy hứa hẹn mà doanh nghiệp Thái Lan cần phải nắm bắt trong tương lai."

Thông tin do DITP cung cấp. Để biết thêm thông tin về hội chợ, vui lòng truy cập: http://oct2016.bigandbih.com

Tác giả: Somhatai Mosika

 

 

Issue 55

Tạp chí Horizon đã trò chuyện với nhà sáng lập hãng sản phẩm dành cho thú cưng Bozzi, chuyên cung cấp sản phẩm hữu cơ, không có chất hóa học và đã được thử nghiệm lâm sàng trước khi ra thị trường.

Theo Hiệp hội Ngành công nghiệp Sản phẩm cho thú cưng Thái Lan, ngành sản xuất sản phẩm cho thú cưng trong nước trị giá 20 tỷ baht (tương đương 568 triệu USD), có xu hướng tăng trưởng 10% mỗi năm. Có sự bùng nổ này chính là do thế hệ trẻ, những người tự nhận mình là "bố mẹ của thú cưng", chăm sóc thú cưng như người thân trong gia đình. Điều này đã thúc đẩy sự tăng trưởng của các doanh nghiệp liên quan như thức ăn, trang sức, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và chăm sóc lông cho thú cưng.

Một công ty khai thác hiệu quả thị trường này là Bozzi.

"Các dòng sản phẩm chăm sóc lông cho thú cưng được bắt đầu từ năm 2013, khi gia đình tôi nhận nuôi hai chú mèo Ba Tư đi lạc,"nhà sáng lập công ty Inkathe Chotiphansiri cho biết. "Lông của chúng bị rụng gần hết và da thì bị nhiễm trùng. Tôi bắt đầu chăm sóc và điều trị cho chúng, bởi gia đình tôi vốn đã sản xuất các sản phẩm chăm sóc da và dùng cho spa. Tôi điều chỉnh các sản phẩm này cho thú cưng dùng và cuối cùng lông của chúng đã mọc trở lại."

Kể từ đó, cô Chotiphansiri đã phát triển một loạt các sản phẩm, đồng thời quản lý marketing cho công ty. Hiện tại, tất cả sản phẩm của Bozzi đều được thử nghiệm lâm sàng trước khi bán cho khách hàng. Bởi mẹ của cô Chotiphansiri là dược sĩ chuyên về thảo dược có chứng nhận, hai người đảm bảo trong những sản phẩm cho thú cưng không có chất hóa học như chất tạo bọt hay steroid. Trong các sản phẩm có dầu gội làm từ lô hội và chiết xuất nghệ ít gây dị ứng cho chó, hay từ dầu chùm ngây và chiết xuất tảo xoắn dành cho chó con và giống chó nhỏ.

"Chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi từ phía khách hàng, họ gửi hình ảnh thú cưng trước và sau khi dùng sản phẩm của chúng tôi," cô Chotiphansiri chia sẻ. "Bởi Bozzi là sản phẩm có thể sử dụng cho người, vài khách hàng của chúng tôi thậm chí còn dùng luôn sáp dưỡng và dầu gội của vật nuôi."

Mới đầu được bán tại các bách hóa, phòng khám thú y và bệnh viện tại Thái Lan, Bozzi nay đã có các nhà phân phối tại Đài Loan và Singapore. "Nhờ DITP tích cực hỗ trợ, chúng tôi đã đủ điều kiện để tham gia Interpets 2016 tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng Tư. Chúng tôi còn tham gia các hoạt động kết nối kinh doanh tại Osaka trong chuyến đi này," cô Chotiphansiri cho biết. "Từ đó, hãng nhận được nhiều đơn đặt mẫu dùng thử, và nhà phân phối của chúng tôi tại Nhật Bản đã có được các chứng nhận nhập khẩu cần thiết từ cơ quan chức năng Nhật Bản."

Bozzi đã tham gia BIGBIH (Hội chợ Quà tặng và Hội chợ Đồ gia dụng Quốc tế Bangkok) từ năm 2015 và nhận được phản hồi tích cực từ khách thăm.

"Tôi nghĩ các thương hiệu nhỏ như chúng tôi cần tổ chức gian hàng tại hội chợ thương mại như BIGBIH để thu hút thêm sự chú ý từ khách hàng," cô Chotiphansiri cho biết. "Người mua và khách tham quan tại BIGBIH vừa có sức mua, vừa coi trọng các sản phẩm hàng tiêu dùng và thiết kế. Đây là một trong những triển lãm quan trọng nhất trong năm."

Một trong những thách thức chính khi sản xuất sản phẩm hữu cơ chính là kiểm soát chi phí nguyên vật liệu bởi giá cả thảo dược thay đổi theo mùa. "Chúng tôi tự trồng vài loại thảo dược và nhập các loại khác," cô Chotiphansiri cho biết. "Tuy rất khó nhưng hãng luôn cố giữ giá sản phẩm ở mức phải chăng bởi chúng tôi muốn người Thái cũng sử dụng sản phẩm của mình."

Cô Chotiphansiri đang rất nỗ lực để xuất khẩu thêm sản phẩm sang các thị trường mới trong tương lai gần.

"Mục tiêu của tôi là gia tăng phân phối với càng nhiều nước càng tốt," cô chia sẻ. "Nhiều thị trường nước ngoài đánh giá cao các sản phẩm hữu cơ và thảo dược, tôi tin rằng các sản phẩm dành cho thú cưng sẽ còn nhiều đất để phát triển, ở cả Thái Lan và nước ngoài."

Để biết thêm thông tin, mời truy cập www.bozzipet.com

Tác giả: Pimsirinuch Borsub

 

 

Issue 53

Trong tháng 6, các quan chức chính phủ và đại diện khối tư nhân cùng tham gia thảo luận việc xây dựng mạng lưới và thúc đẩy đầu tư cho khối CLMVT.

Nằm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Ấn Độ và Trung Quốc, với mức tăng trưởng GDP đáng tự hào, trung bình 5,8%/năm từ 2011 đến 2014 dù kinh tế thế giới đang chậm lại, nhóm các nước CLMVT (Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar và Thái Lan) quyết tâm hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực.

Diễn đàn các nước CLMVT 2016 tổ chức lần đầu với sự quy tụ của 15 bộ trưởng từ các nước ASEAN trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp, đầu tư và du lịch. Các bài phát biểu chính và hội nghị bàn tròn đề cập đến nhiều vấn đề, từ hội nhập tài chính đến cân đối tiêu chuẩn và thủ tục, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập.

Ngày 16/6, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chủ trì và đọc diễn văn khai mạc với chủ đề Các nước CLMVT: Cùng phồn thịnh. Trong bài diễn văn, ông nhấn mạnh khu vực có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển thương mại, đầu tư và du lịch.

"Khu vực các nước CLMVT đóng vai trò đặc biệt, là điểm đến quan trọng cho đầu tư, du lịch và công nghiệp trên thế giới," ông cho biết. "Các nước CLMVT rất mong muốn tăng cường hội nhập và kết nối kinh tế, qua đó tạo ra sự thịnh vượng ổn định tại tất cả các nước trong khu vực."

"Khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của khu vực. Hơn nữa, các hiệp định do chính phủ ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp mở rộng, trong đó phải kể đến Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawadi - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng sông Mekong (GMS) và Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực BIMSTEC. Tôi hi vọng chính phủ Thái Lan và các nước CLMV sẽ tận dụng cơ hội này để tăng cường hợp tác cho cả khu vực tư nhân và nhà nước."

Diễn đàn do Bộ Thương mại tổ chức, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Du lịch và Thể thao, Bộ Văn hóa và Bộ Công nghiệp, cũng như nhiều cơ quan chính phủ khác.

"Mục tiêu chính của diễn đàn là xác định mục tiêu thịnh vượng chung của khu vực, nhấn mạnh tiềm năng, sửa chữa khuyết điểm, loại bỏ chướng ngại, tạo ra cộng đồng kinh tế không biên giới. Từ đó, CLMVT sẽ trở thành Động cơ Tăng Trưởng mới của châu Á," Bộ trưởng Thương mại Apiradi Tantraporn cho biết.

"Thái Lan đặt mục tiêu tăng cường thương mại với các nước CLMV, đạt 16%, so với mức tăng trưởng 13% của năm ngoái," bà Tantraporn cho biết thêm. "Ngoài ra, chúng tôi còn đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 13% so với mức 22 triệu USD vào năm 2015. Hiện tại, xuất khẩu từ Thái Lan sang các nước CLMV chiếm 10,4% tổng sản phẩm và dịch vụ trong nước."

Các nhà hoạch định chính sách, doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp và viện nghiên cứu từ năm quốc gia đã trò chuyện và thảo luận về việc kết nối, chẳng hạn đẩy mạnh kinh doanh và đầu tư, tạo ra "một khu vực duy nhất" và tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, trong đó có giao dịch điện tử và hỗ trợ du lịch trực tuyến.

Diễn đàn các nước CLMVT 2016 được tổ chức từ ngày 16 đến 18/6 tại khách sạn Dusit Thani, thủ đô Bangkok.

Thông tin và hình ảnh do DITP cung cấp

Tác giả: Pimsirinuch Borsub

Issue 54

Tháng Chín này, khoảng 800 đơn vị tham gia triển lãm đến từ 30 quốc gia khác nhau sẽ trao đổi, mua bán tại hội chợ trang sức và đá quý tổ chức 2 lần một năm.

Ngành công nghiệp trang sức và đá quý chính là chìa khóa dẫn đến thành công về mặt xuất khẩu của Thái Lan. Trong năm 2015, ngành xếp thứ ba về giá trị xuất khẩu, đặt gần 11 tỷ USD (371 tỷ baht), chiếm hơn 5% tổng giá trị xuất khẩu.

"Chúng tôi hi vọng xuất khẩu trang sức và đá quý sẽ tăng 10% trong năm 2016," Cục trưởng DITP Malee Choklumlerd cho biết. "Chúng tôi mong muốn Thái Lan được xếp vào Top 10 nhà xuất khẩu trang sức và đá quý hàng đầu thế giới, trở thành một trung tâm lớn về sản xuất và kinh doanh vào năm 2020."

Hiện tại, thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan bao gồm Hong Kong, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, tập trung vào nhóm người tiêu dùng siêu giàu tiềm năng ở Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.

Một yếu tố quan trọng trong chương trình xúc tiến ngành công nghiệp của DITP chính là Hội chợ Trang sức và Đá quý (BGJF). BGJF lần thứ 58 sẽ được DITP tổ chức từ ngày 7 đến 11/9 tại Challenger Hall, trung tâm IMPACT Muang Thong Thani, Bangkok.

Điểm nhấn của hội chợ bao gồm các buổi trưng bày theo chủ đề dành cho các thị trường tiềm năng như: 60+ Exhibition với trang sức dành cho người cao tuổi, Gemstlemen với trang sức dành cho nam giới, Pet Parade với trang sức dành cho người yêu thích thú cưng, và triển lãm The Moments trưng bày trang sức cho các sự kiện đặc biệt. Sự kiện còn có buổi trưng bày Gems Vision 2017 của hãng Đá quý Swarovski, cũng như các hoạt động kết nối kinh doanh cho người mua và người bán từ khắp nơi trên thế giới.

"Thị trường ngách chính là chìa khóa cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp trong tương lai, Thái Lan sẽ tập trung hơn vào việc quảng bá các sản phẩm độc đáo này. Chẳng hạn chúng tôi sẽ có buổi trưng bày theo chủ đề dành cho vòng tay đeo hình trang trí, sản phẩm rất được khách hàng Trung Quốc, Hong Kong và Malaysia ưa chuộng," bà Choklumlerd cho biết.

Với 2.313 gian hàng, Hội chợ Trang sức và Đá quý lần thứ 57 đã thu hút 786 đơn vị tham gia triển lãm, 89 đơn vị trong đó là từ nước ngoài, cùng 22.140 khách thăm quan đến từ 160 đất nước. Bà Choklumlerd tin rằng buổi triển lãm tháng Chín sẽ còn đem lại nhiều thành công nữa.

"Chúng tôi hi vọng tổng giá trị đơn hàng sẽ đạt 428 triệu USD (15 tỷ baht), ước tính số lượng gian hàng triển lãm từ phía nước ngoài sẽ tăng 30% so với sự kiện lần trước," bà chia sẻ. "Dự kiến sẽ có khoảng 30.000 khách tới tham dự hội chợ."

Thông tin do DITP cung cấp. Để biết thêm thông tin về hội chợ, vui lòng liên hệ số máy +66 2507 8392-3 hoặc email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

Tác giả: Somhatai Mosika

 

Issue 52

Các nhà sản xuất nội thất Thái Lan đã được các chuyên gia Ý tư vấn về thiết kế và sản xuất đồ nội thất cho thị trường châu Âu.

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nội thất từ Thái Lan đạt hơn 35 tỷ baht (1,05 tỷ USD) với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc và Anh là các điểm đến hàng đầu.

Nhằm phát triển thị trường mới cho các sản phẩm đồ dùng khách sạn tại châu Âu, năm 2015, DITP đã khởi động Dự án Nhà và Chủ nhà. Dự án nhằm quảng bá sản phẩm chất lượng của Thái Lan tới các khách sạn, spa và nhà hàng, đồng thời đem đến diện mạo mới, phong cách hơn cho sản phẩm Thái Lan.

Tại Hội chợ Quà tặng và Hội chợ Đồ gia dụng Quốc tế Bangkok 2016 (BIG+GIH 2016) diễn ra vào tháng Tư vừa rồi, DITP đã cho ra mắt các nguyên mẫu đồ nội thất được thiết kế và sản xuất bởi 23 công ty Thái Lan tham gia vào dự án.

"Dự án này bắt đầu từ tháng Bảy năm 2015 với mục đích là để chúng tôi phát triển sản phẩm cho các công ty Thái Lan tại những lĩnh vực khác nhau," ông Marcello Massarente, CEO công ty dịch vụ tư vấn Mitor từ Ý cho biết. "Chúng tôi làm việc với DITP và các kiến trúc sư đến từ Florence, những chuyên gia xác định phong cách, kiểu dáng hợp mốt và được yêu thích nhất châu Âu. Sau đó, họ cố gắng tạo ra phong cách như vậy thông qua các nhà sản xuất khác nhau."

Dự án sản xuất khoảng 40 sản phẩm nội thất với phong cách cổ điển, sử dụng bảng màu trắng, đen, xám để tạo nên bầu không khí thanh lịch mà đơn giản.

"Chúng tôi hợp tác với các nhà sản xuất Thái Lan bằng cách cung cấp thông tin về các xu hướng, chủ yếu là phong cách thế kỷ 20," ông Alberto Grassi, một kiến trúc sư Ý tham gia dự án Nhà và Chủ nhà cho biết. "Ban đầu, chúng tôi nghiên cứu kỹ về phong cách hiện tại và thấy rằng, xu hướng tại các khách sạn là tạo ra bầu không khí thân thuộc như ở nhà. Ngay cả trong những chuỗi khách sạn lớn, xu hướng hiện nay là trang trí phòng theo phong cách đẹp và quyến rũ, thay vì kiểu thực dụng, đơn điệu."

Theo ông Grassi, nhóm các chuyên gia Ý vô cùng ấn tượng với khả năng của công ty Thái Lan khi có thể hiểu và thiết kế nội thất thể hiện được phong cách này.

"Trong dự án này, chúng tôi đã có cơ hội làm việc với các công ty dệt may và nội thất rất tốt, để tạo ra bộ sưu tập Nhà và Chủ nhà," ông chia sẻ. "Các nhà sản xuất Thái Lan rất có khả năng, giá cả cũng hợp lý. Bán hàng không chỉ trọng về thiết kế, mà còn về giá cả và thời gian giao hàng, thế nên giờ chúng tôi cũng phát triển mảng marketing."

Ông Massarente tiết lộ, bước tiếp theo sẽ là đem bộ sưu tập tới hội chợ thương mại Maisond'Objet tại Paris vào tháng Chín năm 2016, rồi tới Milan, sau đó mở rộng sang Mỹ và châu Á.

Các dự án và điểm nhấn khác tại BIG+BIH bao gồm: sản phẩm cho người cao tuổi, Dự án 60+, triển lãm ASEAN-Plus, triển lãm Top of OTOP, các thiết kế thắng Giải thưởng từ Thủ tướng và Dấu chất lượng tin cậy Thái Lan.

Được DITP tổ chức hai lần một năm, BIG+BIH được coi là sự kiện thương mại hàng đầu của Thái Lan về các sản phẩm tiêu dùng, và là nguồn cung cấp sản phẩm chất lượng lớn nhất của ASEAN. BIG+BIH lần tiếp theo sẽ được tổ chức từ ngày 19 đến 23/10 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Bangkok.

Thông tin do DITP cung cấp

Tác giả: Pimsirinuch Borsub

 

367310