Inside ASEAN⁺

Issue 53

Nằm ở vị trí rất gần ASEAN, Ấn Độ có thể trở thành cửa ngõ đầy tiềm năng để các công ty Thái Lan thâm nhập thị trường Nam Á.

"Người tiêu dùng Ấn Độ rất yêu quý người Thái và chuộng sản phẩm Thái Lan bởi họ tin tưởng vào chất lượng," phát biểu của Cục phó Cục Ngoại thương (DFT) Adul Chotinisakorn trước khán giả hội nghị chuyên đề Cận cảnh Ấn Độ do DFT tổ chức ngày 12/5 tại Bangkok. "Các sản phẩm Thái Lan dành cho trẻ sơ sinh và trẻ em, và bộ đồ ăn được đông đảo khách hàng Ấn Độ công nhận về độ an toàn, thiết kế hiện đại và chất lượng hàng đầu."

Ấn Độ có dân số lớn thứ hai thế giới, với khoảng 350-400 triệu người thuộc nhóm khách hàng trung lưu. Theo số liệu từ Bộ Thương mại, Ấn Độ là đối tác thương mại xếp thứ 15 với Thái Lan. Quan hệ thương mại song phương đạt 7,9 tỷ USD vào năm 2015.

Hai nước có một hiệp định thương mại tự do (FTA), và hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN đã có hiệu lực từ năm 2010. Hiệp định dỡ bỏ thuế quan đối với nhiều mặt hàng như điện tử, hóa chất, máy móc và dệt may, tương đương 80% tổng số hàng hóa giao dịch giữa Ấn Độ và các nước ASEAN.

Ông Chotinisakorn khuyến khích các công ty xuất khẩu Thái Lan khai thác cơ hội với giới siêu giàu tại Ấn Độ, những người ưa chuộng trang sức, đồ gia dụng và trang trí nhà.

"Để thâm nhập thị trường Ấn Độ, xây dựng nhận thức thương hiệu là rất quan trọng, ta nên tiếp cận thị trường thông qua thương hiệu của chính mình. Hiện tại, các thương hiệu Thái Lan là một trong những thương hiệu quốc tế được người tiêu dùng Ấn Độ tin tưởng và sẵn sàng mua," ông cho biết thêm.

Các ông lớn trong giới đầu tư Thái Lan tại Ấn Độ phải kể đến Tập đoàn CP, Delta Electronics, Ital-Thai, Bất động sản Pruksa và Srithai Superware; còn các công ty lớn của Ấn Độ tại Thái Lan là Tập đoàn Tata và Indorama.

Piti Srisangnam, giáo sư đại học Chulalongkorn, cho biết Ấn Độ là thị trường khổng lồ với khách hàng đến từ những tầng lớp khác nhau, từ nhóm giàu có tới nhóm có thu nhập trung bình và thấp.

"Nếu muốn tiếp cận khách hàng Ấn Độ, bạn cần phải điều chỉnh sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của người dân địa phương," ông chia sẻ. "Phải nhìn nhận Ấn Độ bao gồm 29 bang khác nhau, mỗi nơi có nguyên tắc và quy định riêng. Sau đó là chọn bang giàu tiềm năng bạn muốn khám phá và tiếp thị sản phẩm."

Giáo sư Srisangnam tin rằng các chính sách của chính phủ Ấn Độ, bao gồm chính sách Hướng Đông và Sản xuất tại Ấn Độ sẽ đưa nước này thành một trong những trung tâm sản xuất lớn trên toàn cầu trong tương lai, và Thái Lan có thể hợp tác với Ấn Độ trong nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ô tô.

"Đường cao tốc nối Ấn Độ với Myanmar và Thái Lan, dự kiến hoàn thành trong năm nay, sẽ giúp giảm chi phí hậu cần và thời gian vận chuyển sản phẩm giữa Thái Lan và vùng Đông Bắc Ấn Độ," ông cho biết. Đường cao tốc dài 1.400km đi từ thành phố Moreh, phía Đông Ấn Độ, qua Myanmar, tới Mae Sot, thuộc tỉnh Tak, Thái Lan.

Tác giả: Somhatai Mosika

 

Issue 52

 
 

Được thành lập vào năm 1976, Văn phòng Thương mại Nước ngoài tại Thái Lan (JFCCT) là nơi 33 văn phòng thương mại và hiệp hội kinh doanh cùng tham gia để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh tại Thái Lan.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là thúc đẩy thương mại và đầu tư tại Thái Lan," ông Stanley Kang, Chủ tịch JFCCT cho biết. "Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các công ty tư nhân Thái Lan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Thái mở rộng ra nước ngoài."

Theo ông Kang, JFCCT làm việc với chính phủ Hoàng gia Thái Lan cùng nhiều cơ quan chính phủ, từ Hội đồng Thương mại, Ban Đầu tư tới Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan nhằm tư vấn và đưa ra khuyến nghị cho các chính phủ nước ngoài vì lợi ích của nền kinh tế Thái Lan.

"Khi nền kinh tế Thái Lan giàu mạnh và phát triển, những thành viên trong đó cũng được hưởng lợi ích," ông Kang nói thêm.

Với hơn 90.000 thành viên, JFCCT tổ chức họp mặt cho nhiều ủy ban khác nhau, như Giáo dục và Kỹ năng, Việc làm, Công nghệ thông tin và truyền thông, Thương mại quốc tế, Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Du lịch nhằm phát triển các sáng kiến thúc đẩy thương mại. Các ủy ban làm việc với nhiều văn phòng thương mại và đại sứ quán để thảo luận về hiệp định thương mại tự do và các đàm phán thương mại khác, nhằm phát triển kỹ năng lao động trong lĩnh vực công nghệ, phần mềm, phần cứng và FinTech (công nghệ tài chính), để tư vấn về chính sách đối với ngành du lịch trong và ngoài nước, đồng thời tìm kiếm các sáng kiến đào tạo nghề.

"Một trong những nhiệm vụ gần đây nhất cho ủy ban các doanh nghiệp vừa và nhỏ là kết nối mạng lưới khởi nghiệp ở Đài Loan và Thái Lan," ông Kang chia sẻ. "Tại Thái Lan, hơn 90% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ủy ban của chúng tôi có nhiệm vụ bảo đảm sự cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tính bền vững. Chúng tôi hy vọng Thái Lan sẽ trở thành một xã hội cởi mở hơn, và cũng tin ta có thể thu hút thêm nhiều tài năng và cơ hội kinh doanh."

Với việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ông Kang nhận thấy cơ hội để 10 quốc gia cùng mạnh lên chính là thông qua tăng cường vị thế đàm phán trên trường quốc tế. Ngoài ra, khu vực này còn có tiềm năng trở thành nam châm quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Kang cho biết thêm, trong tương lai gần, mức độ cạnh tranh trong khối AEC sẽ còn tăng cao.

"Đây là một cơ hội tốt để Thái Lan kết thêm bạn bè, giúp đỡ các nước láng giềng và gia tăng vị thế đàm phán khi là một phần của AEC," ông chia sẻ. "Thái Lan còn có quyền lực mềm, khi cả sự ảnh hưởng và văn hóa đều quan trọng."

Ông tin rằng nhiều khu vực kinh tế của Thái Lan có cơ hội để phát triển bền vững. "Thế mạnh của Thái Lan chính là, không có ngành công nghiệp siêu sao, tất cả đều rất cân bằng. Thái Lan rất tốt đẹp, bạn có thể đầu tư vào bất cứ điều gì."

Trong những năm sắp tới, JFCCT sẽ tiếp tục tư vấn cho chính phủ Thái Lan.

"Chúng tôi cam kết trở thành một phần của Thái Lan và sẽ tiếp tục duy trì cuộc đối thoại mở với các cơ quan chính phủ, cùng hợp tác để tạo ra tương lai tốt đẹp hơn," ông Kang nhấn mạnh.

Tác giả: Pimsirinuch Borsub

 

Issue 51

ASEAN đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài từ mọi nơi trên thế giới trong những năm gần đây, một xu hướng mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) quyết tâm duy trì.

"Thái Lan là trung tâm của đại lục ASEAN." Kelly W. Tạ, đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Thái Lan, chia sẻ với khán giả tại Diễn đàn Hợp tác Đầu tư Đài Loan-Thái Lan 2016, được tổ chức vào ngày 26/4 tại khách sạn Dusit Thani, Bangkok. "Thái Lan có một số lợi thế bao gồm cơ sở hạ tầng tốt, trình độ quản trị nhân lực cao và sự đầu tư sâu rộng từ chính phủ."

Đài Loan và Thái Lan đã hợp tác nhiều năm trong cả khu vực nhà nước và tư nhân. Trong năm 2016, chính phủ Đài Loan sẽ tăng cường sự hợp tác giữa Đài Loan và tất cả các nước ASEAN.

Theo Bộ Thương mại Thái Lan, Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Thái Lan trong năm 2015 với kim ngạch thương mại song phương đạt 11 tỷ USD, trong đó nhập khẩu đạt 7,5 tỷ USD và xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD.

"Đối với Thái Lan, chúng tôi sẽ hợp tác trong nhiều ngành công nghiệp bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), ô tô, vận tải và hiệu quả năng lượng," Vụ trưởng Vụ Tư vấn Đầu tư Liên Ngọc Bình cho biết thêm.

Theo Ban Đầu tư Thái Lan (BOI), 274 đề nghị đầu tư từ Đài Loan đã đem lại 1,39 tỷ USD trong giai đoạn giữa năm 2010 và 2014. Ba lĩnh vực hàng đầu là thiết bị điện và điện tử, kim loại và máy móc, và sản phẩm nông nghiệp.

Ông Johnny Đàm, giám đốc kinh doanh, tiếp thị và phát triển kinh doanh tập đoàn điện tử Delta (Thái Lan), giải thích lý do nhà cung cấp giải pháp quản lý năng lượng đẳng cấp thế giới lựa chọn Thái Lan làm cơ sở sản xuất chính tại khu vực từ năm 1988.

"Chính phủ Thái Lan đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài trong nước bằng cách cung cấp một loạt các ưu đãi. Các doanh nghiệp có thể coi Thái Lan là trung tâm sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng và cao cấp, đồng thời mở rộng cơ sở sản xuất sản phẩm cấp thấp tại các quốc gia láng giềng," ông chia sẻ.

Ông Đàm cho biết có các công ty Đài Loan nên cân nhắc một vài yếu tố khi đầu tư vào khu vực ASEAN hiện đang phát triển nhanh: "Để thành công ở nước ngoài, bạn cần có kế hoạch kinh doanh lâu dài, tôn trọng luật pháp và quy định tại địa phương, hiểu về người dân và văn hóa ở đó, và học cách làm việc với họ," ông nói thêm.

Bà Nannatee Wiboonchutikula, giám đốc Văn phòng Thương mại Thái Lan tại Đài Bắc, khuyến khích các công ty Thái Lan nắm bắt các cơ hội kinh doanh phong phú tại Đài Loan.

"Các doanh nghiệp Thái Lan có thể xuất khẩu... thực phẩm đã qua chế biến, sản phẩm từ cao su, sắn và mỹ phẩm sang Đài Loan. Họ còn có thể đầu tư tại những lĩnh vực đầy hứa hẹn như nhà hàng, massage và spa phong cách Thái Lan, và các cửa hàng bán lẻ sản phẩm Thái Lan," bà cho biết.

Tác giả: Somhatai Mosika

 

 

 

368510