Issue 55

Phó Chủ tịch chuyên trách Tài năng và Văn hóa của Accor chia sẻ về việc lực lượng lao động đầy nhiệt huyết của tập đoàn tại ASEAN đã khiến khu vực này trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hơn nữa.

Mỗi năm, khu vực ASEAN lại có một lượng du khách rất lớn. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Ban Thư ký ASEAN, trong năm 2015, khoảng 98 triệu khách du lịch quốc tế đã đến thăm các nước ASEAN, tăng 7,3% so với năm trước đó. Các thành viên nhóm CLMVT (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan) đón 44,42 triệu du khách, chiếm 42% tổng số du khách đến ASEAN.

Để đáp ứng lượng du khách gia tăng, ngày càng nhiều khách sạn được mở ra trên khắp khu vực, vì thế đòi hỏi phải có lực lượng lao động chất lượng. Christophe Lejeune, Phó Chủ tịch chuyên trách Tài năng và Văn hóa của chuỗi khách sạn Accor, Khu vực phía trên Đông Nam Á và Đông Bắc Á, đã chứng kiến những thay đổi trong ngành du lịch và khách sạn tại ASEAN trong hai thập niên vừa qua, ông tin rằng lực lượng lao động mạnh mẽ tại khu vực sẽ trở thành lợi thế cho ngành.

"Trong những năm 1980, tôi đã tới Thái Lan và nhận thấy ngành khách sạn ở đây rất mạnh, tôi khá ấn tượng với chất lượng của các sản phẩm du lịch," ông Lejeune chia sẻ. "Tôi gia nhập Novotel Rayong vào năm 1995, và từ đó làm việc cho Accor tại Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Campuchia."

Ông Lejeune cho biết thế mạnh số một của Thái Lan chính là ở con người. "Một lượng lớn du khách vẫn quay lại Thái Lan bởi nơi đây rất đặc biệt: người Thái có lòng hiếu khách chân thành, khiến du khách thấy được chào đón. Người dân biết cách làm các vị khách cảm thấy đặc biệt."

"Người dân khu vực ASEAN thật sự rất quan tâm đến ngành dịch vụ," ông Lejeune nói thêm. "Lực lượng lao động ở Thái Lan, Campuchia và Việt Nam rất trẻ và năng động. Tôi thấy người dân Đông Nam Á rất giống những doanh nhân khởi nghiệp: họ rất linh hoạt và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Họ còn rất muốn nhanh chóng thử những thứ mới." Ông Lejeune tin rằng gần đây có sự thay đổi trong việc tuyển dụng.

"Chúng tôi phải cạnh tranh cả về tiền lương và con đường phát triển sự nghiệp," ông Lejeune cho biết. "Với "thế hệ công dân thời đại kỹ thuật số", việc xây dựng thương hiệu cho nhân viên là rất quan trọng. Lớp trẻ rất quan tâm đến mô hình kinh doanh và những vấn đề như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và tính bền vững của công ty."

Ông chia sẻ rằng, do sự thay đổi về bản chất của lực lượng lao động, giờ đào tạo nhân viên đi theo mô hình 70:20:10: 70% đào tạo trực tiếp theo nhóm, bao gồm hội thảo và hội nghị, 20% là các hoạt động học trực tuyến tại các trang web như hội thảo trực tuyến, và chỉ 10% là đào tạo trực tiếp theo cá nhân.

"Khi các công ty ngày một lớn mạnh, ta không thể chỉ dựa vào đào tạo trực tiếp theo cá nhân, như vậy rất tốn thời gian," ông Lejeune cho biết.

Ông tin rằng mối liên kết trong khu vực ASEAN khiến khách du lịch rất tiện ghé thăm nhiều quốc gia một lượt, bởi mỗi môt nước lại có bản sắc văn hóa riêng. Trong năm 2017, Accor dự định mở tổng cộng 19 khách sạn mới ở Thái Lan, Lào, Việt Nam và Myanmar, bên cạnh 92 khách sạn hiện tại ở những nước này.

"Các doanh nghiệp tại Đông Nam Á phát triển theo hướng rất năng động. Thái Lan là cửa sổ để nhìn ra phần còn lại của châu Á, thế nên chúng tôi rất cần đặt những khách sạn quan trọng tại đây - SO Sofitel, Muse Bangkok của MGallery và Pullman. Hiện tại chúng tôi mở khoảng 1 khách sạn mỗi tuần tại châu Á."

Tác giả: Pimsirinuch Borsub

 

 

366604