Issue 54

Bangladesh và Thái Lan mong muốn tạo dựng mối quan hệ thân thiết thông qua thương mại song phương và đầu tư.

Với giá trị thương mại song phương đạt 903 triệu USD trong năm 2015, Thái Lan và Bangladesh có rất nhiều cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng vẫn cần được khám phá trong nhiều ngành công nghiệp, phát biểu của bà H.E. Saida Muna Tasneem, Đại sứ Bangladesh tại Thái Lan.

"Bangladesh và Thái Lan đã có 44 năm quan hệ song phương, hai nước chúng ta vừa gần về khoảng cách địa lý lại vừa có kết nối về mặt văn hóa," bà Tasneem cho biết. "Sẽ có lợi cho đôi bên nếu hai nước giao dịch thương mại nhiều hơn."

Từ ngày 30/5 đến 1/6, Đại sứ quán Bangladesh tại Bangkok, cùng Cục Xúc tiến Xuất khẩu và Bộ Thương mại Bangladesh đã hợp tác tổ chức Triển lãm Thương mại và Đầu tư 2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Queen Sirikit với mục tiêu kết nối sản phẩm, dịch vụ và cơ hội đầu tư của Bangladesh với thị trường và doanh nghiệp Thái Lan.

Sự kiện đã chứng tỏ thành công trong việc kết nối doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách cấp cao từ cả hai nước cùng tham dự buổi thảo luận về phương thức tăng cường thương mại và đầu tư giữa đôi bên. Hơn 60 công ty Bangladesh có gian hàng trưng bày sản phẩm và dịch vụ tại triển lãm, buổi trình diễn thời trang lụa "Bangladesh-Thái Lan Sợi dây Di sản" phác họa sắc nét ngành dệt lụa truyền thống của cả hai nước.

"Triển lãm tập trung trình bày các sản phẩm lụa, đồ da, đồ gốm, sứ xương và dược phẩm của Bangladesh," bà Tasneem chia sẻ. "Bangladesh xuất khẩu dược phẩm tới hơn 100 quốc gia ở Bắc Mỹ, Mỹ Latin, châu Âu và các nước ASEAN, trong đó có Myanmar. Chúng tôi hiện đang muốn tiếp cận thị trường Thái Lan bởi nơi đây có ngành công nghiệp du lịch y tế rất lớn cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ quát cần nhập khẩu dược phẩm."

Hiện tại, hàng xuất khẩu từ Bangladesh sang Thái Lan chỉ giới hạn ở đay và các sản phẩm từ đay, hàng may sẵn (RMG) và một lượng nhỏ dược phẩm. Xuất khẩu từ Thái Lan bao gồm sản phẩm tiêu dùng trong đó có đồ dùng tắm rửa, đồ ăn và rau củ, gạch clinke, quặng và hóa chất, máy móc. Các công ty Thái Lan hiện đang đầu tư 605 triệu USD vào Bangladesh thông qua 96 dự án, do các công ty hàng đầu Thái Lan như Tập đoàn CP, Ital-Thai và SCG dẫn dắt.

Một lĩnh vực nữa rất đáng để đầu tư là ngành nông nghiệp và chế biến nông sản.

"Thái Lan là nhà vô địch về chế biến nông sản, trong khi Bangladesh cũng rất nổi tiếng về trái cây nhiệt đới như xoài, mít, vải và dứa," bà Tasneem nhấn mạnh. "Có rất nhiều cơ hội cho các công ty Thái Lan chế biến trái cây tại Bangladesh, rồi bán trong nước hoặc xuất khẩu, nhất là khi Bangladesh được miễn hoàn toàn thuế khi tiếp cận thị trường châu Âu."

Cả hai nước hiện đang tập trung tăng cường thương mại song phương thông qua Ủy ban Hợp tác Thương mại (JTC) do Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Apiradi Tantraporn và Bộ trưởng Bộ Thương mại Bangladesh Tofail Ahmed đứng đầu.

"Các Bộ trưởng đã đồng ý gặp mặt tại buổi họp JTC lần thứ tư tại Dhaka trong năm 2016, chúng tôi hy vọng qua đây sẽ hiểu thêm về chính sách thương mại của nhau," bà Tasneem tiết lộ. "Hiện tại chưa có Hiệp định thương mại tự do FTA giữa hai nước, nhưng vấn đề này sẽ được nêu ra trong buổi họp JTC sắp tới."

Đại sứ Bangladesh đang theo sát nhiều dự án nhằm đảm bảo thương mại giữa hai nước sẽ gia tăng trong tương lai gần.

"Chúng tôi đang cố gắng tạo ra các cuộc đối thoại về thương mại trong khu vực tư nhân với nhiều vấn đề, như khả năng tạo dựng quyền tiếp cận miễn thuế giữa ngành dệt may Thái Lan và ngành RMG Bangladesh, cải thiện về vấn đề vận chuyển thông qua thỏa thuận vận chuyển đường ven biển, điều này sẽ cho phép hàng hóa được vận chuyển giữa Thái Lan và Bangladesh trong vòng ba ngày, và còn giới thiệu BIMSTEC (Sáng kiến vùng vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực), Thẻ Đi lại Doanh nhân dành cho doanh nhân hai nước," bà cho biết thêm.

Tác giả: Pimsirinuch Borsub

366553