Issue 56

Một doanh nhân tiên phong người Thái tiết lộ bí quyết kinh doanh thành công ở nền kinh tế ASEAN đang phát triển nhanh này.

Myanmar có lẽ là thị trường mới nổi đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nó là quê hương thứ hai của ông Kich Aungvitulsatit, giám đốc điều hành của Excellent United International, nhà phân phối độc quyền của 14 thương hiệu nổi tiếng về hàng tiêu dùng Thái Lan và Nhật Bản tại quốc gia đang phát triển này.

Aungvitulsatit bước chân vào thị trường Myanmar năm 1990 để phân phối nước tăng lực Red Bull và cá trích sốt cà hiệu Ba Cô Gái. Hiện nay, công ty của ông phân phối tổng cộng 14 mặt hàng như nước tăng lực Sponsor Thái Lan, kem chống muỗi ARS Nhật Bản, kem đánh răng thảo dược và các sản phẩm chăm sóc cá nhân Twin Lotus Thái Lan.

"Các sản phẩm xuất xứ Thái Lan được người dân Myanmar rất ưa chuộng bởi chất lượng cao cùng giá cả hợp lý", ông chia sẻ. "Tuy nhiên, doanh nghiệp Thái không nên quá tự tin bởi đối thủ cạnh tranh đang cải tiến chất lượng sản phẩm của họ, và hiện nay họ đã cho ra mắt một số mặt hàng với chất lượng tương đương Thái Lan."

Hiện tại, công ty đã có văn phòng ở Yangon, Mandalay và Myawaddy với khoảng 150 nhân viên trong đó có 12 người Thái. Công ty phân phối trực tiếp các sản phẩm thông qua siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tiệm tạp hóa ở Yangon và thị trấn lân cận, đồng thời chỉ định đại lý phân phối hoạt động tương tự ở các tỉnh thành khác. Aungvitulsatit đặt mục tiêu sẽ có 30 đại lý phân phối và hơn 300 siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi nằm trong mạng lưới phân phối của ông trong năm 2017.

"Myanmar có nhu cầu cao về các sản phẩm tiêu dùng, vật liệu xây dựng, máy móc nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu và hạt giống", ông bổ sung. "Mặc dù Myanmar là vùng đất có nhiều cơ hội lớn, nhưng những vấn đề như mạng lưới giao thông vận tải hạn chế, đất đai đắt đỏ và thiếu hụt lao động tay nghề cao là những thách thức lớn khi muốn kinh doanh tại đất nước này."

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Thái Lan cho thấy Myanmar là đối tác kinh doanh lớn thứ 18 của Thái Lan. Năm 2015, thương mại giữa hai nước được ghi nhận đạt 7,74 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Thái Lan sang Myanmar là 4,17 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu bao gồm nhiên liệu, nước giải khát, máy móc, xi măng, thép và các sản phẩm từ thép, hóa chất, ô tô và linh kiện ô tô, và hàng tiêu dùng.

Để khai thác thị trường mới này, ông Aungvitulsatit khuyên doanh nghiệp nên tuân thủ quy định và pháp luật, đồng thời tìm hiểu nền văn hóa Myanmar để nắm bắt hành vi và lối sống của người tiêu dùng. "Thuyết trình sản phẩm là phương pháp hữu hiệu nhất để tạo sự nhận biết thương hiệu tại Myanmar. Chuyên gia tiếp thị cần tập trung vào các hoạt động tiếp thị nhằm phát triển mạng lưới khách hàng", ông gợi ý.

Ông Aungvitulsatit tin rằng trong 10 năm tới, Myanmar sẽ có môi trường kinh doanh tốt hơn, với quy định có hiệu lực và chi phí đất đai hợp lý hơn, tạo nên một thời điểm hoàn hảo để bước vào thị trường. Tuy nhiên, ông khuyên mọi người nên cẩn trọng khi muốn tham gia thị trường vào lúc này.

"Bạn phải kiên định, nhẫn nại, làm việc chăm chỉ và nhất định không bỏ cuộc cho đến khi đạt được mục tiêu của mình", ông chia sẻ. "Hơn nữa, bạn nên hỗ trợ phát triển cộng đồng mà bạn đang hoạt động kinh doanh. Khi bạn có thắc mắc, hãy tìm lời khuyên từ những nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt tại thị trường."

Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập: www.euithailand.com

Tác giả: Somhatai Mosika

 

366782