Issue 55

Một công ty Thái Lan đã sử dụng gỗ từ cây cao su để tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường giờ đã được xuất khẩu ra toàn cầu.

Áp dụng kỹ thuật tốt nhất cũng như các sáng kiến vào sản xuất và thiết kế đồ chơi, Plan Toys đã học cách sản xuất đồ chơi từ gỗ cao su phế liệu, cũng như tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường với mục tiêu không chất thải.

"Để giúp ích cho xã hội, Plan Toys quyết tâm tiến hành kinh doanh dựa trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng đến vấn đề môi trường," chia sẻ của anh Kosin Virapornsawan, giám đốc điều hành của Plan Creations, nhà sản xuất Plan Toys.

Công ty được thành lập vào năm 1981 bởi nhóm các nhà lãnh đạo có nền tảng về kiến trúc và vô cùng quyết tâm tạo ra một thế giới bền vững. Hiện tại, 95% đồ chơi bằng gỗ đã được xuất khẩu sang Mỹ, Khối Liên minh châu Âu, Anh và Nhật Bản.

Trung bình, cây cao su cung cấp nhựa trong khoảng 25 đến 30 năm. Sau đó, hầu hết số cây này sẽ được đốt làm than, giá trị đem lại rất thấp. Plan Toys thay vào đó lại sử dụng gỗ này để làm ra đồ chơi. Đây chính là nét đặc trưng của công ty: tạo ra một tương lai bền vững.

"Chúng tôi còn tập trung vào sự phát triển của trẻ, một cách khác để tạo nên một xã hội bền vững," anh Virapornsawan chia sẻ. "Các lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển của trẻ gồm có thể chất, xã hội, trí tuệ và ngôn ngữ."

Anh Virapornsawan tin rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiến hành kinh doanh một cách bền vững nếu suy nghĩ đúng đắn.

"Lợi nhuận, con người, hành tinh là ba từ khóa hay được sử dụng để phát triển ý tưởng kinh doanh bền vững," anh cho biết. "Chúng tôi có hợp tác với đại học Mahidol để kiểm tra điện năng tiêu thụ và lượng khí thải carbon. Khi nhìn từ bên ngoài, nhiều doanh nhân có thể nghĩ rằng kinh doanh "xanh" làm tăng chi phí sản xuất. Nhưng xét về đầu tư lâu dài, điều này tiết kiệm rất nhiều năng lượng."

Theo anh, các doanh nhân nên tìm ra những ý tưởng sáng tạo và cải tiến để phát triển kinh doanh.

"Chúng tôi trộn mùn cưa tạo ra khi làm đồ chơi gỗ cùng màu hữu cơ để làm thành đồ chơi mới với kết cấu khác hẳn, không thấm nước," anh cho biết. "Đó là thiết kế thân thiện với môi trường."

Tìm đúng đối tác chiến lược, đổi mới và xây dựng thương hiệu là ba yếu tố mà mọi doanh nghiệp vừa và nhỏ nên cân nhắc nếu muốn gia nhập thị trường toàn cầu.

"Nếu chưa mạnh về lĩnh vực nào đó, chúng tôi có thể giới thiệu khách hàng tới chỗ các đối tác của mình. Chúng tôi không chèn ép nhau mà cùng nhau phát triển," anh cho biết. "Đổi mới và xây dựng thương hiệu giúp tạo ra bản sắc rõ rệt trên thị trường và tăng thêm giá trị cho sản phẩm và dịch vụ của chúng ta."

Tác giả: Natthinee Ratanaprasidhi

 

 

368171